Vụ “Mãi lộ ngày và đêm trên đường cao tốc”: Mãi lộ góp phần làm tăng tai nạn

(PL)- Đó là nhận định của ông Phan Bá – Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Ông nhấn mạnh: Vì sao chỉ xử lý những vụ việc báo chí cung cấp chứ không mở rộng điều tra (?!)

Ngày 8-12, trao đổi với PV, ông Phan Bá nói: “Tôi đã xem đoạn video và loạt bài mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh và nhận thấy rằng hành vi của một số CSGT là vi phạm nghiêm trọng. Chuyện mãi lộ đã rất cũ, trở thành vấn đề nhức nhối, làm xấu hình ảnh người công an nhân dân. Tôi nghĩ cần phải có biện pháp quyết liệt!”.

Mãi lộ là tham nhũng

. Thưa ông, chuyện mãi lộ vì sao trở nên nhức nhối và tại sao không thể dẹp bỏ. Phải chăng đây là một hình thái tham nhũng đặc thù trong lực lượng này?

+ Thời gian qua, báo chí, dư luận đã phản ánh nhiều gương cán bộ, chiến sĩ CSGT từ chối nhận hối lộ rất đáng trân trọng, biểu dương. Nhưng báo chí cũng phản ánh tình trạng hàng loạt CSGT mãi lộ, tiêu cực ở nhiều tỉnh, thành.

Việc xử lý vấn nạn này xem ra chưa hiệu quả là điều cần phải xem lại. Không phải do nghiệp vụ của lực lượng công an yếu nên ít phát hiện tình trạng vi phạm của cấp dưới. Lực lượng công an được trang bị đầy đủ phương tiện nghiệp vụ và thẩm quyền để mật phục xử lý sai phạm của cán bộ mình. Tôi ngạc nhiên là sau khi báo chí phản ánh, Bộ Công an đã chỉ đạo xử lý quyết liệt CSGT vi phạm ở một số tỉnh miền Trung. Nhưng như báo Pháp Luật TP.HCM vừa phản ánh tại TP.HCM, CSGT lại vi phạm trắng trợn, không tỏ ra chùn tay.

. Vậy theo ông, việc phát hiện xử lý cán bộ CSGT vi phạm là việc trong tầm tay của lãnh đạo ngành công an, lãnh đạo lực lượng CSGT?

+ Đúng thế. Vì sao báo chí điều tra đơn độc, không được trang bị phương tiện và nghiệp vụ đầy đủ nhưng vẫn quay được những đoạn clip sống động, hình ảnh trung thực về biểu hiện tiêu cực của CSGT, trong khi lực lượng công an lại ít phát hiện ra? Và thường là chỉ xử lý những cán bộ mà báo chí phản ánh và chỉ yêu cầu báo chí cung cấp chứng cứ chứ không điều tra mở rộng, làm rõ cả một quy trình sai phạm để có thể giải quyết căn bản nạn mãi lộ. Theo tôi, lãnh đạo công an các tỉnh, thành cần có thái độ và hành động quyết liệt thì mới xử lý dứt điểm tình trạng mãi lộ. Nếu mật phục, thanh tra thường xuyên, xử lý nghiêm khắc thì tình trạng mãi lộ, nhũng nhiễu sẽ không còn đất sống. Bởi mãi lộ đã và đang là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân và là một nguyên nhân quan trọng trong nhiều lý do gia tăng TNGT.

 

Một tài xế đang “dấm dúi” với CSGT Đội An Lạc trong khi hai tài xế khác chờ… đến lượt. (Ảnh chụp sáng 30-11 ở đoạn ngang Trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương) Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Càng mãi lộ, tai nạn sẽ càng tăng

. Như thế, nạn mãi lộ có liên quan mật thiết đến tình trạng TNGT?

+ Nếu CSGT khi làm nhiệm vụ mà luôn trong tâm thế là tìm mọi cách để kiếm tiền từ người lái xe, gây tâm lý cho người tham gia giao thông phải chung chi mới xong chuyện thì nguy hiểm vô cùng. CSGT sẵn sàng nhận tiền chung chi bỏ qua lỗi vi phạm thì sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông càng trầm trọng. Tài xế phải chở quá tải, quá khổ, phải chạy quá tốc độ, lấn tuyến… để gia tăng lợi nhuận, bù đắp lại số tiền đã “mãi lộ” cho CSGT. Từ việc bỏ qua vi phạm giao thông để nhận tiền dẫn đến hiện tượng nhiều phương tiện vi phạm và gây TNGT là một hệ quả tất yếu. Nếu CSGT làm đúng chức trách, xử phạt một cách khách quan thì sẽ không còn chuyện xe quá tải phóng bạt mạng, thi nhau tranh giành khách… gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

. Vậy theo ông, ở đây vai trò – trách nhiệm của người lãnh đạo đơn vị có cán bộ mãi lộ, tiêu cực như thế nào?

+ Ngành công an nói chung và lực lượng CSGT không thể vô cảm với tình trạng gia tăng TNGT cướp đi hàng vạn sinh mạng mỗi năm. Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, bộ trưởng Bộ Công an đã thể hiện quyết tâm xử lý nghiêm các vi phạm để góp phần kéo giảm TNGT trong thời gian tới. Vì vậy, việc một bộ phận CSGT mãi lộ sẽ góp phần đẩy TNGT tăng thì thật là phi lý. Chỉ khi cán bộ, chiến sĩ sai phạm bị xử lý và lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị đó cũng phải chịu trách nhiệm thì mới có thể giảm thiểu tình trạng mãi lộ.

Dân nói mãi lộ là phổ biến, CSGT nói là cá biệt (!)

. Trả lời trước Quốc hội vừa qua, bộ trưởng Bộ Công an đã nói sẽ xây dựng lực lượng CSGT ngày càng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, thậm chí tước quân tịch, truy tố trước pháp luật với người có hành vi tiêu cực. Ông có thể kiến nghị những giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng trong lực lượng CSGT?

+ Trước hết, lãnh đạo Bộ Công an đã thể hiện quyết tâm, nên tôi nghĩ cần có một cuộc cách mạng trong nội bộ lực lượng CSGT bằng các biện pháp cụ thể.

Thứ nhất, phải giáo dục lực lượng CSGT ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong tình hình giao thông đang xấu hiện nay, để cán bộ cấp dưới thấy rằng việc mãi lộ sẽ làm tăng TNGT. Và như thế là vi phạm pháp luật hình sự.

Thứ hai, lực lượng CSGT phải cam kết trước dân, trước Đảng là “nói không với mãi lộ, tham nhũng” được không? Và nhân dân, Đảng sẽ giám sát lời hứa này. Cán bộ sai thì bị sa thải, truy tố.

Thứ ba, cần cải tiến quy trình xử phạt vi phạm giao thông. Quy trình hiện nay nhiều lỗi vi phạm nặng, người vi phạm bị thu giữ bằng lái, phải đi đóng tiền, mất rất nhiều thời gian. Cho nên nảy sinh tâm lý là đưa tiền cho CSGT để bỏ qua lỗi, tiện hơn và như thế một bộ phận CSGT đã tiếp tay cho hành vi vi phạm giao thông và bản thân mình trở thành phạm tội. Tôi nghĩ Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tài chính nên tìm giải pháp nào hiệu quả nhất, tiện lợi nhất để người vi phạm giao thông được chủ động thuận tiện trong việc chấp hành xử phạt đúng pháp luật. Hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa CSGT và người vi phạm về tiền xử phạt thì ít cơ hội nảy sinh tiêu cực. Và người vi phạm giao thông cũng cần nghiêm chỉnh thực hiện việc xử phạt, không dùng tiền để thay thế sai phạm để không tạo điều kiện, cơ hội cho CSGT sai phạm tiếp theo.

. Ông đánh giá thế nào về tình hình mãi lộ tiêu cực ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thưa ông?

+ Dư luận người dân thì cho rằng đây là chuyện phổ biến. Còn lực lượng CSGT thì cho rằng chỉ là chuyện cá biệt, một bộ phận cán bộ vi phạm. Theo tôi, cần xử lý triệt để, nghiêm cán bộ sai phạm và người phụ trách, lãnh đạo có cán bộ sai phạm thì mới đủ tính răn đe và phòng ngừa.

. Xin cảm ơn Vụ trưởng.

(Theo Pháp luật TPHCM )

Người viết : NGUYỄN ĐỨC